Thứ Sáu, 04/04/2025
HomeTin tức - Sự kiệnTin trong nướcTS Nguyễn Đình Cung: 'Kinh tế tư nhân xứng đáng là động...

TS Nguyễn Đình Cung: ‘Kinh tế tư nhân xứng đáng là động lực quan trọng nhất’

Việc xem kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất sẽ kích hoạt được “ngọn lửa kinh doanh”, phát huy sức mạnh không giới hạn của các doanh nghiệp, theo TS Nguyễn Đình Cung.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (nay là Viện Nghiên cứu chính sách và Chiến lược, thuộc Ban Chính sách, chiến lược Trung ương) chia sẻ với VnExpress về những sức mạnh “vô hạn” của kinh tế tư nhân. Ông Cung cũng là người được ví như “kiến trúc sư trưởng” cho các phiên bản xây dựng Luật Doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam, nền tảng pháp lý xác nhận vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế.

Bước ngoặt với kinh tế tư nhân

– Trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân – đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng Bí thư Tô Lâm định vị sứ mệnh của khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quan điểm của ông thế nào về thông điệp này?

– Kinh tế tư nhân Việt Nam bắt đầu phát triển từ 1990, khi các Luật Công ty và Doanh nghiệp tư nhân được coi là nền tảng pháp lý đầu tiên thừa nhận sự tồn tại của khu vực này.

Năm 2000, Luật Doanh nghiệp có hiệu lực đã mở rộng và thừa nhận quyền tự do kinh doanh của người dân, từ chỗ họ được quyền kinh doanh những gì Nhà nước cho phép sang ngành nghề pháp luật không cấm. Đây là thời kỳ khu vực tư nhân thực sự bùng nổ, trở thành là “bộ phận không thể thiếu” trong nền kinh tế.

Tới 2011 – thời điểm Việt Nam đặt mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, tư nhân được khuyến khích phát triển, tăng đầu tư và mở rộng xuất khẩu. Sau đó, khu vực này được nâng vai trò lên thành “động lực quan trọng” của nền kinh tế, xác nhận tại Nghị quyết 10 của Hội nghị Trung ương vào năm 2017.

Kinh tế tư nhân chính là dân, từ dân và vì dân. Đây là nguồn lực không giới hạn, có sức mạnh phát triển vượt bậc nếu được kích hoạt, thôi thúc khát khao kinh doanh, cống hiến. Thậm chí, trải qua nhiều biến động như dịch Covid-19, bất ổn kinh tế toàn cầu, áp lực lạm phát…, doanh nghiệp tư nhân vẫn thể hiện sự dẻo dai và khả năng thích nghi tuyệt vời.

Tôi cho rằng kinh tế tư nhân xứng đáng là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Để xây dựng một nền kinh tế hùng cường, không còn cách nào khác là phải dựa vào nguồn lực nội tại – kinh tế tư nhân. Việc này cũng đánh dấu bước ngoặt về vai trò của kinh tế tư nhân so với giai đoạn trước, khi Việt Nam chủ yếu dựa vào doanh nghiệp nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

– Nguồn lực, vai trò lớn song kinh tế tư nhân vẫn chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh. Điều này do đâu, theo ông?

– Thực tế, khu vực tư nhân đang đối mặt với nhiều rào cản, từ cách nhìn nhận của xã hội đến chính sách hỗ trợ. Trước đây, chúng ta nhìn doanh nghiệp tư theo lối mòn “lớn đến đâu, thừa nhận đến đó”, nhưng như thế rất khó để có chính sách phù hợp với họ. Đó cũng là điều dễ hiểu khi vừa qua nhiều chính sách đưa ra chưa trúng và đủ để thúc đẩy tư nhân phát triển.

Gần 40 năm Đổi mới, kinh tế tư nhân chịu “lép vế” với khu vực FDI và doanh nghiệp nhà nước. Họ gần như không được hỗ trợ hay nâng đỡ, ưu đãi về đất đai, thuế, nên yếu về công nghệ và quản trị. Kết quả là họ khó gia nhập thị trường và không đủ năng lực cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước.

– Những rào cản với khu vực tư nhân mà ông nói là gì?

– Doanh nghiệp tư nhân chịu thiệt thòi về thể chế, thực thi của nhà điều hành. Với các điểm nghẽn về pháp lý, họ chưa thực sự được quyền tự do kinh doanh, bảo đảm quyền tài sản nên chưa yên tâm đầu tư.

Tôi ví dụ, các quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện chính là một loại rào cản, hạn chế doanh nghiệp gia nhập thị trường. Hay Luật Đầu tư đưa ra các quy định về cấp giấy chứng nhận, chủ trương đầu tư, trong khi câu chuyện “làm thế nào, do ai” lại do thị trường quyết định. Tức là, Nhà nước không nên can thiệp vào mục đích, quy mô đầu tư của doanh nghiệp.

Trong thực thi, thủ tục hành chính gây phiền hà, tốn kém. Chẳng hạn, một dự án đầu tư xây dựng muốn triển khai được phải xin loạt thủ tục về đầu tư, môi trường, phòng cháy chữa cháy, cấp thoát nước… Tôi cho rằng những quy định này chỉ cần tích hợp vào một thủ tục duy nhất là “cấp phép xây dựng”, với yêu cầu thời gian thực hiện không quá 1-4 tuần làm việc.

Những điểm nghẽn này hạn chế việc cạnh tranh lành mạnh, đổi mới sáng tạo và phát triển của khu vực tư nhân. Trong thời điểm mang tính chất quyết định, phần lớn doanh nghiệp thiếu động lực để vượt qua giới hạn, bứt phá. Chẳng hạn, Việt Nam là cường quốc về nông sản, nhưng phần lớn doanh nghiệp lại chọn cách xuất nguyên liệu thô sang các nước (gồm Trung Quốc) để họ chế biến và tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng cao.

Cũng nhiều thời điểm, các doanh nghiệp, doanh nhân chọn dừng lại ở mức “đủ ăn, đủ tích lũy” mà không có khát vọng vươn lên, cống hiến cho đất nước. Một bộ phận khu vực này là hộ kinh doanh, họ e dè khi phải công khai các thông tin tài chính, kế toán. Đó là một trong những lý do của thực trạng hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh “không muốn và không thể lớn”.

Cần mạnh tay bỏ một nửa số luật

– Việt Nam cần những thay đổi như thế nào để doanh nghiệp tư nhân phát triển, thực sự bùng nổ?

– Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh vĩ mô ổn định thì nền kinh tế mới phát triển. Chỉ khi đó, doanh nghiệp mới dự đoán được thị trường, tính toán để đưa ra các quyết định đầu tư dài hạn. Ngược lại, họ sẽ chuyển sang trạng thái “đầu cơ”.

“An tâm” là từ khóa, cơ sở để người dân có lòng tin, dốc hết của cải và năng lực sáng tạo ra đầu tư, phát triển. Nhưng để làm được, hệ thống pháp luật phải bảo đảm quyền tự do kinh doanh, sở hữu tài sản của doanh nghiệp. Quan điểm “mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm” cần được thống nhất ở mọi cấp, ngành.

Đặc biệt, việc thực thi pháp luật phải được cải thiện, lĩnh vực hợp đồng và giải quyết tranh chấp cần công khai, minh bạch. Bởi khi các tranh chấp pháp lý được xử lý công bằng qua hệ thống tòa án, sẽ thu hẹp nguy cơ hình sự hóa, giúp doanh nghiệp, doanh nhân yên tâm đầu tư kinh doanh.

Ngoài ra, Nhà nước cần đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án lớn như phát triển hạ tầng, công nghiệp, năng lượng, đường sắt tốc độ cao, đô thị. Việc này giúp khu vực tư nhân thực sự trở thành lực lượng tiên phong trong công nghiệp, hiện đại hóa đất nước.

– Còn điểm nghẽn về thể chế, môi trường kinh doanh, theo ông cần cải thiện ra sao?

– Tôi hy vọng sẽ có cuộc cách mạng tinh giản về quy định như cách làm, tư duy sắp xếp bộ máy vừa rồi. Thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, ví như hình ảnh cột điện giăng đầy dây, không thể tách từng cái. Như vậy, chúng ta không thể sử dụng cách “hoàn thiện” nữa, phải “tháo gỡ, thậm chí đập bỏ cái cũ”.

Tức là, tư duy không phải bỏ bao nhiêu điều kiện kinh doanh, chúng ta phải mạnh dạn “đập bỏ” một nửa số luật hiện nay, để chuyển đổi hệ thống pháp luật chồng chéo, không rõ ràng sang hiệu quả hơn.

Việc này không dễ dàng, song cải cách cần có đột phá trong tư duy, tư duy thông thì hành động mới thông. Khi đó, các quy định pháp luật về kinh tế sẽ được thiết kế theo hướng quản lý mục tiêu, thay vì quy trình như hiện nay.

Kích hoạt ‘ngọn lửa’ kinh doanh

– Nhiều giải pháp sẽ cần thời gian để đi vào cuộc sống. Theo ông, việc gì có thể làm ngay để thu hút nguồn lực từ kinh tế tư nhân?

– Có lẽ phải bắt đầu từ những giải pháp khôi phục lại niềm tin của khu vực tư nhân, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của họ. Tức là, giải pháp đưa ra phải làm sao để thổi bùng lên ngọn lửa đam mê kinh doanh, khiến họ khao khát đầu tư, phát triển và cống hiến cho đất nước. Làm được như vậy, một thế hệ doanh nhân mới sẽ xuất hiện.

Tôi nhớ những năm 2000, tinh thần kinh doanh lên cao, khát khao đầu tư sục sôi. Sau đó, chúng ta có những thay đổi to lớn, căn bản về kinh tế tư nhân thì “bây giờ đã khác”. Nhưng đến nay, những khao khát đó dần yếu đi khi bao khó khăn với doanh nghiệp chưa thực sự được giải quyết, tháo gỡ kịp thời.

Cách đây 7-8 năm, khi tôi đến gặp lãnh đạo một số tỉnh, họ luôn nói về thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức các chương trình gặp gỡ, cà phê doanh nhân hàng tuần, tháng để lắng nghe khó khăn, cùng tháo gỡ. Mấy năm nay, hoạt động như thế gần như vắng bóng.

Tôi cho rằng phải bắt đầu ngay với những hành động nhỏ qua việc đồng hành, hỗ trợ để doanh nghiệp, người dân cảm nhận rõ sự thay đổi và khôi phục niềm tin với tinh thần mạnh mẽ hơn, sau đó mới đến các giải pháp dài hạn.

– Bên cạnh sự trợ lực từ Nhà nước, theo ông, nội tại doanh nghiệp tư nhân cần chuyển mình ra sao để bứt phá?

– Tôi cho rằng không thể có cơ hội nào lớn hơn với khu vực tư nhân như lúc này. Do đó, đầu tiên họ cần trang bị năng lực đổi mới sáng tạo bằng cách đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển (R&D), ứng dụng công nghệ, tạo ra sản phẩm và dịch vụ giá trị gia tăng cao. Theo một thống kê, khoảng 30% doanh thu của các doanh nghiệp dẫn đầu đến từ hoạt động đổi mới, sáng tạo.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các chuẩn mực quản trị quốc tế, minh bạch thông tin là yếu tố then chốt để doanh nghiệp tư nhân xây dựng uy tín, thu hút đầu tư. Ngoài ra, trong thị trường cạnh tranh khốc liệt, việc xây dựng thương hiệu mạnh, tạo dựng niềm tin với khách hàng là vô cùng quan trọng.

Cuối cùng, bằng cách tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, kết nối với các đối tác chiến lược và tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh của nhau, doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô, nâng cao năng lực, tạo ra sức mạnh tổng hợp, từ đó khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Nguồn: VnExpres.net

TIN KHÁC

Tin mới nhất