(VNF) – Các chuyên gia kinh tế nhận định 90 ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây ra những tác động mạnh mẽ đến kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng sâu sắc đến Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ cần cân đối mục tiêu tăng trưởng và đưa ra các ứng phó kịp thời, dài hạn.
Theo PGS.TS Lê Bộ Lĩnh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược kinh tế, bất kỳ một nhiệm kỳ tổng thống nào của nước Mỹ, sau 90 ngày sẽ định hình khá rõ đường lối và sẽ đánh giá được triển vọng cho quãng thời gian tiếp theo. Tuy nhiên với những động thái về áp thuế đối ứng của tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như những thay đổi liên tục trong phát ngôn, thì dường như những tác động của nó đến kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam rất khó dự đoán.
90 ngày và những tác động toàn cầu
Chia sẻ tại buổi Toạ đàm Đánh giá chính sách kinh tế của Tổng thống Donald Trump sau 3 tháng cầm quyền và kiến nghị cho Việt Nam được tổ chức bởi Viện nghiên cứu chiến lược kinh tế (IESS), TS Bùi Ngọc Sơn, chuyên gia kinh tế cho rằng, công cụ thuế quan mà Mỹ sử dụng chỉ là “đòn” mở màn và điều nay đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu cả trong ngắn và dài hạn.
Đầu tiên, trong ngắn hạn, giá cả các mặt hàng sẽ tăng ở thị trường Mỹ và chính người tiêu dùng nước Mỹ phải chịu, khiến lạm phát tăng trở lại, tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ bị thu hẹp bởi tiêu dùng chiếm 72% GDP.
Kế đến, khu vực kinh tế năng động và có vai trò dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu là Châu Á, Đông Nam Á sẽ bị tổn hại. Trong đó, có nền kinh tế lớn thứ hai là Trung Quốc được dự báo GDP năm 2025 tăng ở mức 3,4%, năm 2026 chỉ còn 3% so với mực tiêu của chính phủ Trung Quốc đề ra là 5%.
Tiếp theo, tổng thể thương mại toàn cầu sẽ sụt giảm. Theo Goldman Sachs tính toán suy thoái kinh tế toàn thế giới sẽ xảy ra với xác suất 45%, còn J.P Morgan bi quan hơn với xác suất khủng hoảng lên đến 60%.
Theo TS Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương), việc này ngay lập tức cũng đã khiến thị trường chứng khoán phố Wall và các thị trường khác trên thế giới lao dốc, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ USD cho chính nước Mỹ.
TS Bùi Ngọc Sơn đánh giá, trong dài hạn chính sách thuế này sẽ ảnh hưởng đến các hệ thống thương mại tự do toàn cầu như FTA, CPTTP…, cũng như các tổ chức WTO…, cụ thể các hiệp định này sẽ bị “loại bỏ”.
Sau đó, thế giới có thể trở lại với chủ nghĩa bảo hộ khi các quốc gia có xu hướng tự bảo chính mình, gây ra chênh lệch “giàu nghèo”, nước nhỏ sẽ lép vế và nguy cơ bị loại bỏ. Chuỗi cung ứng toàn cầu, các dòng vốn đầu tư và thương mại sẽ được phân bố, định hình lại.
“3 khu vực có thể hình thành bao gồm: Mỹ và Mỹ La Tinh, Trung Quốc cộng châu Á, EU và châu Âu”, TS Sơn nhận định.
Ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Việt Nam
Cũng theo TS Lê Quốc Phương, Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương), chính sách thuế quan bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump nguy cơ sẽ gây ra ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế có độ mở cao nhất thế giới của Việt Nam (dự báo khoảng 200% GDP).

Thứ nhất, vì Mỹ là thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam nên mức thuế chỉ cần khoảng trên 20% là hàng hoá Việt Nam đã rất khó có thể tiếp cận và cạnh tranh tại thị trường Mỹ. Nổi lên với các nhóm hàng đang chiếm tỷ trọng cao như dệt may, giầy da, thuỷ sản, đồ gỗ, đồ điện tử, máy móc…
Cả các DN FDI và doanh nghiệp nội đề sẽ chịu thiệt hại từ chính sách này.
“Kim ngạch sụt giảm, kéo theo tăng trưởng GDP giảm, thất nghiệp gia tăng, đời sống đại bộ phận người lao động sẽ khó khăn”, TS Phương nói thêm.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Việt, Nguyên phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) đánh giá, động thái áp thuế đối ứng với hàng hoá nhập khẩu đã và đang tạo ra những bất ổn, rủi ro chưa từng thấy cho thương mại toàn cầu trong đó có Việt Nam.
Ngoài việc suy giảm năng lực cạnh tranh và ảnh hưởng đến các ngành xuất khẩu chủ lực, Việt Nam còn phải đối mặt với các tác động cộng hưởng từ biến động toàn cầu gồm chiến tranh thương mại leo thang giữa các nền kinh tế lớn. Trước đây, Việt Nam được hưởng lợi nhờ từ chuyển dịch dòng vốn đầu tư nhằm tránh rủi ro do căng thẳng địa chính trị, nay lợi thế này bị suy giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, ông Việt cũng đánh giá, nguồn thu ngân sách và cơ hội việc làm sẽ giảm đáng kể. Khi các DN xuất nhập khẩu gặp khó, nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Các DN cắt giảm sản xuất hoặc đóng cửa sẽ giảm cơ hội tạo việc làm mới, thất nghiệp gia tăng đặc biệt trong ngành dệt may, điện tử đang sử dụng hàng triệu lao động.
Ngoài ra, nguy cơ “mượn xuất xứ” có thể dẫn đến các trừng phạt thương mại khác và áp lực cạnh tranh nội địa khi hàng hoá giá rẻ từ các quốc gia khác có thể tràn vào Việt Nam, khiến các DN trong nước gặp khó.
Chính sách ứng phó dài hạn
Các chuyên gia cho rằng, trước những ảnh hưởng sâu và rộng từ chính sách thuế quan của Mỹ đến nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ cần xem xét cân đối lại mục tiêu tăng trưởng, đồng thời có các chính sách ứng phó cấp bách, kịp thời và dài hạn.
TS Bùi Ngọc Sơn đánh giá, thông điệp của tổng thống Mỹ cho rằng mục tiêu cơ bản dùng thuế quan để “America First”, để đưa sản xuất, đưa công nghiệp trở lại nước Mỹ rất khó thành hiện thực, và không hợp lý.
Trong khi đó bối cảnh toàn cầu hiện nay, chuỗi cung ứng đã liên kết với nhau quá chặt chẽ và phụ thuộc, việc Mỹ đánh thuế cao có thể gián tiếp “tự bắn vào chân mình”. Ví dụ, Mỹ có chuỗi cung ứng cho sản xuất ô tô chủ yếu ở Canada và Mexico, việc áp thuế 25% đối với hai quốc gia này có thể khiến giá ô tô tại Mỹ tăng gấp đôi. Điều này là không thể tồn tại đối với các hãng xe của Mỹ
“Khả năng Việt Nam đàm phán giảm mức thuế suất đối ứng với Mỹ là khá lạc quan, tuy nhiên phải chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất”, ông Sơn nói thêm.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, trước hết, Việt Nam cần tận dụng 90 ngày bày tỏ thiện chí đàm phán và trao đổi trên phương diện cá nhân nhiều hơn, xu hướng là “case by case”. Đồng thời, phải minh bạch hoá thông tin dựa trên dữ liệu thương mại, trong đó việc hai bên đối chiếu lập luận và làm rõ các số liệu về thặng dư thương mại kèm xuất xứ hàng hoá là vô cùng quan trọng.
Song song với đó, Chính phủ nhanh chóng có các bước chuẩn bị dự địa về chính sách tài khoá, tiền tệ, chính sách giảm thuế nhằm hỗ trợ các DN gặp khó khăn và triển khai các biện pháp hỗ trợ an sinh xã hội đối với những người lao động bị ảnh hưởng. Chính sách cần rõ ràng, cụ thể, khả thi và có tính thực thi cao trên thực tế, chú trọng đến các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp.

TS. Lê Xuân Bá – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW nhận định, chính sách thuế của ông Trump là có cơ sở và có nhiều mục tiêu khác nhau, hiện tại chưa thể đánh giá hết được, cần thêm thời gian. Có thể chính sách không trực tiếp “đánh” vào Việt Nam mà còn ở một mục tiêu xa hơn mà Mỹ đã cảnh báo từ rất lâu.
Theo ông Bá, Việt Nam cần xác định rõ bài toán trong phát triển kinh tế sắp tới phải dựa vào nội lực đất nước, bớt phụ thuộc vào xuất nhập khẩu và FDI. Ngoài ra, cần xem xét rõ động lực tăng trưởng là ở đâu, hiện 3 trục chính gồm xuất khẩu, DN FDI và tiêu dùng nội địa. Trong đó, tiêu dùng nội địa đang chiếm 60% tăng trưởng GDP. Do đó, cần phải giải quyết vấn đề tiêu dùng nội địa, kích thích hàng tiêu dùng trong nước, tập trung phát triển các DN của Việt Nam, kinh tế tư nhân phải được coi trọng hơn.
“Trong ngắn hạn, cần đẩy mạnh các nhóm ngành thế mạnh của Việt Nam như nông nghiệp, thuỷ hải sản, nông nghiệp công nghệ cao để đảm bảo an ninh năng lượng. Trong trung và dài hạn phát triển công nghiệp của người Việt (hiện nay gần như con số 0), đặc biệt chú ý đến Phát triển và coi trọng kinh tế tư nhân”, TS Lê Xuân Bá kiến nghị.
GS Nguyễn Hữu Ninh nêu quan điểm, đàm phán chỉ là trước mắt, trong khi đó Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi, đặc biệt là con người. Vì vậy để chuẩn bị cho dài hạn, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển lực lượng lao động trình độ cao, phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, chuyên biệt.
“Tạo ra các ngành, lĩnh vực sản phẩm mà Mỹ cần thì chúng ta sẽ có cơ hội trao đổi và phát triển có lợi trong dài hạn”, GS Ninh kết luận.
Nguồn: vietnamfinance.vn