Thứ Bảy, 26/04/2025
HomeTin tức - Sự kiệnTin trong nướcHội thảo khoa học cấp Quốc gia 'Hoàn thiện pháp luật trong...

Hội thảo khoa học cấp Quốc gia ‘Hoàn thiện pháp luật trong nền kinh tế số’

Trong thời đại chuyển mình mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số dần trở thành một xu thế tất yếu. Để đảm bảo quá trình chuyển đổi số phát triển bền vững, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, kịp thời, hiệu quả là điều cũng không thể thiếu.

Ngày 15/4, Trường ĐH Gia Định (GDU) cùng Viện nghiên cứu Pháp luật và Xã hội tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề “Hoàn thiện pháp luật trong nền kinh tế số”.

PGS.TS Lê Bộ Lĩnh – Viện trưởng IESS phát biểu tại Hội thảo

Dự Hội thảo có PGS-TS. Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường GDU; GS-TS. Phan Trung Lý, Viện trưởng Viện nghiên cứu Pháp luật và Xã hội; PGS-TS. Lê Bộ Lĩnh, Chủ tịch HĐQL Viện nghiên cứu Chiến lược kinh tế. Ngoài ra còn có đông đảo khách mời là các đại biểu cấp cao, chuyên gia đầu ngành của Bộ Khoa học và Công nghệ; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (thuộc Quốc hội); các thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên, giảng viên, sinh viên và chuyên gia pháp lý…

Phát biểu tại Hội thảo, PGS-TS Thái Bá Cần cho biết: Trong bối cảnh kinh tế số đang thay đổi diện mạo của xã hội, Trường nhận thức rõ vai trò của mình trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đóng góp vào việc xây dựng khung pháp lý phù hợp.

Hội thảo lần này không chỉ là diễn đàn để các chuyên gia chia sẻ kiến thức mà còn tạo cơ hội giúp sinh viên, giảng viên, cán bộ nhân viên nhà trường tiếp cận những vấn đề thực tiễn, từ đó có định hướng nghiên cứu, học tập hiệu quả hơn”.

GS-TS. Phan Trung Lý cũng nhấn mạnh, phát triển kinh tế số không chỉ là một định hướng chiến lược mà còn là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn phát triển và từ khát vọng vươn mình mạnh mẽ của dân tộc trong thời đại mới.

Trên tinh thần đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cùng các chỉ đạo sâu sắc của Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định vai trò trung tâm của thể chế trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số và coi đây là “ngành kinh tế mũi nhọn”, “trụ cột phát triển” trong thời đại mới…

Từ năm 2022 đến nay, Việt Nam có hơn 70 triệu người sử dụng Internet, chiếm khoảng 70% dân số cả nước. Điều này cho thấy nền kinh tế số đang bước vào giai đoạn bùng nổ, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, do đó pháp luật phải đi kịp để điều chỉnh các quan hệ pháp lý mới phát sinh trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành vẫn còn nhiều khoảng trống, chưa theo kịp tốc độ đổi mới, đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với bối cảnh thời đại.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã tập trung phân tích nhiều chuyên đề quan trọng, bao gồm: Những vấn đề pháp lý về bảo hộ tài sản trí tuệ để phát triển kinh tế số; Những vấn đề pháp lý về kiểm duyệt nội dung thông tin trên môi trường mạng; Những vấn đề pháp lý về bảo vệ dữ liệu người dùng; Góp ý dự thảo Luật Khoa học – Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Luật Công nghiệp công nghệ số…

PGS-TS Thái Bá Cần cho biết, Hội thảo không chỉ là diễn đàn chia sẻ kiến thức học thuật mà còn mang ý nghĩa thực tiễn. Những ý kiến đóng góp tại Hội thảo là tạo là vô cùng quý giá, góp phần định hình khung pháp lý cho nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam…

Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam

TIN KHÁC

Tin mới nhất