Thứ Năm, 03/04/2025
HomeNghiên cứu khoa họcHội thảo, tọa đàm khoa họcTọa đàm khoa học: Đột phá thể chế, phát huy tiềm lực...

Tọa đàm khoa học: Đột phá thể chế, phát huy tiềm lực của kinh tế tư nhân nhằm phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Chiều ngày 14/3/2025, tại hội trường Tầng 10, tòa nhà văn phòng An Phú, số 24 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Viện Nghiên cứu chiến lược kinh tế (The Institute for Economic Strategy Studies – IESS) tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Đột phá thể chế, phát huy tiềm lực của kinh tế tư nhân nhằm phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.

Quang cảnh buổi tọa đàm

PGS. TS Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội,  Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Viện trưởng IESS chủ trì tọa đàm.

PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh phát biểu khai mạc

Ông Nguyễn Tử Quảng, Phó chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trí tuệ nhân tạo, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ Bkav báo cáo tham luận trung tâm.

Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Tập đoàn Bkav trình bày tham luận

Dự tọa đàm có các chuyên gia, nhà khoa học, chính khách đến từ các cơ quan, trường đại học, viện nghiên cứu, hiệp hội trong lĩnh vực kinh tế, tài chính và khoa học công nghệ: TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam; TS. Nguyễn Minh Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội truyền thông số; TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; PGS.TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; GS.TS. Đặng Thị Phương Hoa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS. Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân; TS. Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam; TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; TS. Nguyễn Thị Bích Lan, Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số; PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam; Luật sư Lê Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vinasa; ông Lâm Hồng Quang, Phó Chủ tịch Tập đoàn Bkav…

Đại biểu khách mời phát biểu tại tọa đàm

Phát biểu khai mạc và đề dẫn tọa đàm, PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh, Viện trưởng IESS khái quát những vấn đề trọng tâm: Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia như một động lực chính để phát triển kinh tế – xã hội, đưa đất nước tiến lên trong kỷ nguyên mới, trong đó khu vực tư nhân đóng vai trò then chốt. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tọa đàm cần làm rõ những vấn đề: (i) Xác định các điểm nghẽn về mặt thể chế cản trở sự phát triển của kinh tế tư nhân, làm kìm hãm sự phát triển của khoa học công nghệ; (ii) Kiến nghị những giải pháp thực sự đột phá để phát huy vai trò và tiềm lực của khu vực tư nhân, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Tử Quảng trình bày tham luận trung tâm với nội dung chính: (i) Đánh giá tương quan giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, yêu cầu cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất nhằm theo kịp sự phát triển của lực lượng sản xuất và tạo động lực mới cho phát triển; (ii) Trải nghiệm của Tập đoàn Bkav, cũng là góc nhìn chung của các doanh nghiệp công nghệ tư nhân về: Môi trường kinh doanh tại Việt Nam, tác động từ những chính sách vĩ mô và cơ chế quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp, cạnh tranh giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước…; (iii) Kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong phát huy tiềm lực của kinh tế tư nhân nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm tạo động lực phát triển mới cho nền kinh tế; (iv) Một số kiến nghị nhằm giải phóng tiềm lực của doanh nghiệp tư nhân như: (1) Xác định kinh tế thị trường là công cụ phát triển kinh tế, cần được chú trọng thúc đẩy; Nhà nước có sự giám sát, điều chỉnh vừa phải để thị trường tự điều tiết và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa; (2) Xác định  kinh tế tư nhân là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới, góp phần xây dựng một Việt Nam năng động, độc lập, tự chủ, tự cường và phát triển thịnh vượng; (3) Quy định phạm vi hoạt động của doanh nghiệp nhà nước để tập trung nguồn lực công cho các lĩnh vực trọng điểm (an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội…), dành không gian phát triển cho doanh nghiệp tư nhân; (4) Phát huy vai trò khai phá của doanh nghiệp nhà nước trong những lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân bỏ trống, sẵn sàng trao lại thị trường nếu doanh nghiệp tư nhân đủ điều kiện và động lực tham gia để tạo sự cạnh tranh, phát triển; (5) Điều chỉnh cơ chế hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhà nước để tạo môi trường cạnh tranh công bằng; đẩy mạnh cổ phần hóa, tăng vốn tư nhân trong doanh nghiệp nhà nước; khuyến khích doanh nghiệp nhà nước trở thành khách hàng của doanh nghiệp tư nhân.

Các đại biểu, khách mời thảo luận cởi mở tại tọa đàm, các chuyên gia đã đưa ra những góc nhìn đa chiều, làm rõ những vấn đề được nêu ra trong báo cáo đề dẫn và tham luận trung tâm, đơn cử như tham luận của TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng thông tin khoa học công nghệ đã: (i) Khái quát tình hình phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin của Việt Nam từ những năm 2000 đến nay; (ii) Khẳng định vai trò và đóng góp to lớn của các doanh nghiệp công nghệ tư nhân như Tập đoàn Bkav đối với quá trình tin học hóa và chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước và xã hội; (ii) Chỉ ra những khó khăn, vướng mắc về cơ chế liên quan việc quản lý đầu tư vào khoa học công nghệ, nhất là việc định giá giá trị của sản phẩm trí tuệ như phần mềm máy tính… làm cản trở sự phát triển của doanh nghiệp công nghệ của cả khối nhà nước lẫn tư nhân và kiến nghị một số giải pháp nhằm xác định giá trị và đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm khoa học công nghệ. TS. Nguyễn Minh Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội truyền thông số đưa ra kiến nghị về kiến tạo thị trường cho doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ (SME) của Việt Nam thông qua việc Nhà nước mạnh dạn và tin tưởng đặt hàng khu vực tư nhân nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ, đồng thời cải cách doanh nghiệp nhà nước để giải phóng tiềm lực cho doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến nhằm bổ sung, làm rõ các vấn đề như: (i) Cơ chế quản lý, quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam chưa tạo ra sự yên tâm cho doanh nghiệp công nghệ nước ngoài đầu tư vào trong nước; (ii) Vai trò của thị trường đối với tăng trưởng kinh tế, phát triển khoa học công nghệ, trong đó yếu tố tư nhân đóng vai trò then chốt; (iii) Đánh giá những điểm mới tại Nghị quyết 57-NQ/TW về định vị vai trò của kinh tế tư nhân trong cơ cấu kinh tế; (iv) Khẳng định yếu tố tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian tới là phát triển kinh tế tư nhân, phát triển doanh nghiệp tư nhân và mở rộng kinh tế thị trường…

Khách mời chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm

Buổi tọa đàm khoa học diễn ra trong không khí hết sức thẳng thắn và cởi mở, để lại những ấn tượng hết sức tốt đẹp đối với đại biểu, khách mời cũng như cán bộ của Viện, góp phần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, nâng cao vị thế và định hình bản sắc riêng của Viện IESS./.

TIN KHÁC

Tin mới nhất